So sánh các hệ thống xếp hạng đại học quốc tế phổ biến

31 tháng 1, 2013
Trong một vài năm gần đây, xếp hạng đại học quốc tế - bao gồm cả xếp hạng toàn cầu lẫn xếp hạng theo từng khu vực địa lý - đã trở thành một chủ đề thu hút mối quan tâm của mọi thành phần xã hội ở mọi...

Tại Việt Nam, xếp hạng đại học thậm chí đã xuất hiện trong các văn bản hành pháp ở cấp cao nhất, khi chính phủ xây dựng chiến lược phát triển giáo dục quốc gia. Theo Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006-2020, một trong những chỉ tiêu cần đạt là đến năm 2020 có 1 trường đại học được xếp hạng trong số 200 trường đại học hàng đầu thế giới.


Vấn đề là từ lúc chính phủ đưa ra chỉ tiêu nói trên cho đến nay thì số lượng các hệ thống xếp hạng quốc tế đã liên tục tăng lên, ban đầu chỉ có một vài hệ thống nhưng đến nay đã tồn tại hàng chục hệ thống khác nhau. Điều này khiến cho người sử dụng khá khó khăn vì không biết phải tin vào hệ thống nào.  Bài viết này nhằm giới thiệu 5 hệ thống xếp hạng phổ biến, và đưa ra những nhận định về mức độ phù hợp của từng hệ thống đối với giáo dục Việt Nam.

Các hệ thống xếp hạng quốc tế phổ biến

Tính đến thời điểm viết bài này (tháng 4/2011), đã có đến 15 hệ thống xếp hạng quốc tế được nêu trên trang Wikipedia [2], chưa kể các hệ thống xếp hạng quốc gia. Trong bài viết này chúng tôi giới thiệu 5 hệ thống được xem là phổ biến và có ý nghĩa nhất đối với Việt Nam, đó là:

  1. ARWU, còn được biết dưới tên gọi Bảng xếp hạng Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc), ra đời năm 2003;
  2. QS World, trước đây thường được gọi là THES hoặc THE-QS, ra đời năm 2004 tại Anh Quốc;
  3. Webometrics, chuyên xếp hạng trang web của các trường đại học, ra đời năm 2004 tại Tây Ban Nha;
  4. QS Asia, dành riêng cho khu vực châu Á dựa trên hệ thống xếp hạng toàn cầu của QS, ra đời năm 2009;
  5. THE, tách ra từ nhóm THE-QS và kết hợp với Thomson Reuters thành một hệ thống riêng, mới ra đời năm 2010 tại Anh Quốc.

So sánh các các hệ thống xếp hạng
1. ARWU 
ARWU là hệ thống xếp hạng đại học được đánh giá là khách quan, minh bạch, đáng tin cậy và cho kết quả ổn định  nhất hiện nay. Cách xếp hạng của ARWU chủ yếu xem xét thành tích khoa học của các trường, sử dụng số liệu từ các nguồn thông tin sẵn có của bên thứ ba, không sử dụng số liệu do các trường cung cấp.

Bảng dưới đây nêu tóm tắt các tiêu chí, chỉ báo, và trọng số sử dụng trong phương pháp xếp hạng trường đại học của ARWU [3].

Tiêu chí

(Criteria)

Chỉ báo

(Indicators)

(Code)

Trọng số

(Weightings)

Chất lượng giáo dục

(Quality of Education)

Cựu sinh viên của trường đoạt giải Nobel hoặc giải Fields

Alumni

10%

Chất lượng giảng viên

(Quality of Faculty)

- Giảng viên của trường đoạt giải Nobel hoặc giải Fields

- Giảng viên của trường có tên trong danh sách những nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trong 21 lãnh vực tổng quát

- Award

 

- HiCi

 20%

 

 

 20%

Thành tích khoa học

(Research Output)

- Số bài báo đăng trên hai tạp chí khoa học Nature và Science

- Số bài báo được chỉ dẫn trong cơ sở dữ liệu các tạp chí của SCIE và SSCI

- N&S

 

- PUB

20%

 

20%

Hiệu suất bình quân của giảng viên

(Per Capita Performance)

Hiệu suất khoa học bình quân tính trên đầu giảng viên

PCP

10%

Tổng                                                                                                                         100%

Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng ARWU không phù hợp với các trường đại học của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Những tiêu chí khắt khe về thành tích khoa học khiến cho ARWU chỉ phù hợp với những trường đại học nghiên cứu của các nước phát triển – chủ yếu là hệ thống Anh-Mỹ và Châu Âu. ARWU hoàn toàn không quan tâm đến việc cung cấp thông tin so sánh về các trường đại học của các nước có trình độ phát triển thấp như Việt Nam hoặc những khu vực khác trên thế giới.

2. THE-QS (nay là QS World)

Hệ thống xếp hạng của THE-QS là sự hợp tác giữa Tạp chí THE (Times Higher Education) và QS. Hệ thống này tồn tại từ năm 2004 đến năm 2009 dưới tên gọi đầu tiên là THES, sau đó đổi thành THE-QS. Đến năm 2009, THE không hài lòng về phương pháp xếp hạng đang gây nhiều tranh cãi của THE-QS vào lúc ấy, nên sự hợp tác giữa hai bên chấm dứt. QS tiếp tục sử dụng bảng xếp hạng này, đổi thành QS World và bổ sung vào các sản phẩm của mình các bảng xếp hạng khu vực như Bảng xếp hạng Châu Á của QS (QS Asia), sẽ được đề cập đến ở mục 4.  

THE-QS hay QS World là hệ thống xếp hạng bị phê phán nhiều nhất, trước hết là vì quá đặt nặng việc khảo sát ý kiến các bên có liên quan (đồng nghiệp và nhà tuyển dụng), dẫn đến các số liệu thiếu ổn định và độ tin cậy thấp. Ngoài ra, QS World cũng sử dụng các số liệu do chính các trường cung cấp để xếp hạng (tỷ số giảng viên trên sinh viên), nên không bảo đảm các số liệu tự cấp kia là hoàn toàn chính xác.

Bảng dưới đây tóm tắt các tiêu chí, chỉ báo và trọng số sử dụng trong phương pháp xếp hạng trường đại học của QS World [4].

Tiêu chí
(Criteria)

Chỉ báo

(Indicators)

Trọng số

(Weightings)

Chất lượng nghiên cứu (Research quality)

Khảo sát ý kiến đồng nghiệp (Academic peer review)

40%

Trích dẫn bình quân trên đầu giảng viên

(Citations per faculty)

0%

 

 

 

Chất lượng giảng dạy (Teaching Quality)

Khảo sát ý kiến nhà tuyển dụng toàn cầu

(Global employer review)

10%

Tỷ số giảng viên trên sinh viên

(Faculty student ratio)

20%

Mức độ quốc tế hóa

(Internationalisation)

Tỷ lệ sinh viên quốc tế

(International student ratio)

5%

Tỷ lệ giảng  viên quốc tế

(International faculty  ratio)

5%

Tổng                                                                                                 100%            

Các tiêu chí của QS World không chỉ liên quan đến thành tích khoa học, mà còn bao gồm cả yếu tố nguồn lực dành cho giảng dạy (đo bằng tỷ số giảng viên trên sinh viên), mức độ quốc tế hóa của một trường (đo bằng tỷ lệ giảng viên và sinh viên quốc tế). Việc lấy ý kiến các bên liên quan, dù có tính chủ quan và vì thế thường bị các nhà nghiên cứu phê phán vì thiếu tính khoa học, nhưng cũng có thể cho thấy được phần nào danh tiếng của một trường, dựa trên những thành tựu có thực trong quá khứ của trường đó.

Hiện nay đã có khá nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á tham gia vào hệ thống xếp hạng này và đã lọt được vào 500 đầu tiên (thậm chí trong top 200-300) như Mã Lai, Thái Lan, Indonesia, vv. Vì vậy, khả năng Việt Nam có thể lọt vào danh sách này trong tương lai không phải là điều hoàn toàn bất khả.

3. Webometrics
Webometrics không phải là một hệ thống xếp hạng trường đại học, mà chỉ xếp hạng trang web của các trường mà thôi. Tuy nhiên, do độ bao phủ rộng (Webometrics đưa ra một danh sách đến 12000 vị trí), đồng thời do độ tương quan cao của những vị trí đầu bảng giữa Webometrics và các kết quả xếp hạng khác, nên Webometrics thu hút được khá nhiều sự chú ý của công chúng trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.

Dưới đây là bảng tóm tắt các tiêu chí và trọng số sử dụng trong phương pháp xếp hạng trường đại học của Webometrics [5].

Tiêu chí

(Criteria)

Trọng số

(Weightings)

Kích thước trang web

(Size)

20%

Khả năng nhận diện

(Visibility)

50%

 

 

Số lượng các "file giàu"

(Rich files)

15%

Thư tịch khoa học theo Scholar

(Scholar)

15%

Tổng                                                                100%

Kết quả xếp hạng trên Webometrics dù chỉ dựa trên trang web nhưng vẫn phản ánh được phần nào thực lực của các trường, trong đó thành tựu về nghiên cứu khoa học (số lượng bài báo, chỉ số trích dẫn, vv) vẫn là một yêu cầu quan trọng. Việt Nam hiện nay đã có khá nhiều trường được lọt vào danh sách 12,000 trường đại học của Webometrics, và việc theo dõi thứ hạng hàng năm của các trường đại học Việt Nam so với các trường khác trong khu vực cũng có thể cung cấp cho ta một số thông tin hữu ích về "danh tiếng" (reputation) của các trường đại học Việt Nam đối với độc giả quốc tế, để có kế hoạch lựa chọn những trường cần đầu tư để cải thiện vị trí.

4. QS Asia
Hệ thống xếp hạng đại học Châu Á của QS ra đời 2009 và là sự cải biên hệ thống xếp hạng toàn cầu của QS. Đây là một sáng kiến hữu ích nó cho phép các trường vốn ít có cơ hội xuất hiện trong các danh sách xếp hạng toàn cầu có thể lọt vào danh sách các trường hàng đầu của một khu vực để có thể so sánh với nhau.

Dưới đây là bảng so sánh tóm tắt các tiêu chí, chỉ báo và trọng số sử dụng trong phương pháp xếp hạng trường đại học của QS World và QS Asia [6].

Tiêu chí
(Criteria)

Chỉ báo (Indicators)

QS World

Chỉ báo (Indicators)

QS Asia

Chất lượng nghiên cứu (Research quality)

Khảo sát ý kiến đồng nghiệp quốc tế (40%)

Khảo sát ý kiến đồng nghiệp Châu Á (30%)

Trích dẫn bình quân trên giảng viên (20%)

- Tỷ số bài báo trên giảng viên (15%)

- Trích dẫn bình quân trên giảng viên (15%)

Chất lượng giảng dạy (Teaching Quality)

Khảo sát ý kiến nhà tuyển dụng toàn cầu (10%)

Khảo sát ý kiến nhà tuyển dụng Châu Á (10%)

Tỷ số giảng viên trên sinh viên (20%)

Tỷ số giảng viên trên sinh viên (20%)

Mức độ quốc tế hóa

(Internationalisation)

- Tỷ lệ sinh viên quốc tế (5%)

- Tỷ lệ giảng viên quốc tế (5%)

- Tỷ lệ sinh viên quốc tế (2.5%)

- Tỷ lệ giảng viên quốc tế (2.5%)

- Tiếp nhận sinh viên trao đổi (2.5%)

- Gửi sinh viên ra nước ngoài trao đổi (2.5%)

Tổng                                                                                                 100%            

Có thể thấy QS Asia là bảng xếp hạng phù hợp nhất đối với đa số các trường đại học Châu Á. Các chỉ báo liên quan đến quốc tế hóa là điều mà bất kỳ trường đại học Châu Á nào cũng có thể cải thiện được nếu có quyết tâm. Việc trao đổi và tiếp nhận sinh viên và giảng viên quốc tế chắc chắn sẽ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của các trường thông qua việc học hỏi từ các đồng nghiệp quốc tế.

Tỷ số giảng viên trên sinh viên cũng không khó để cải thiện, vì chỉ cần các trường bỏ thêm tiền đầu tư và thu hút thêm nhiều giảng viên. Các chỉ báo thuộc tiêu chí "chất lượng nghiên cứu" cũng không quá khó, vì QS Asia không chỉ tính đến các bài báo có chỉ số trích dẫn cao, mà còn xem xét cả chỉ số bình quân bài báo trên giảng viên. Yêu cầu còn lại là tạo danh tiếng để có ấn tượng tốt đối với những người được kháo sát ý kiến (trọng số khá cao, tổng cộng đến 50%).

5. THE (hệ thống xếp hạng mới, tách ra từ THE-QS)

THE ra đời năm 2010 sau khi sự hợp tác giữa Tạp chí THE (Times Higher Education) và QS để tạo ra bảng xếp hạng THE-QS chấm dứt vào năm 2009 sau khi hoạt động được 6 năm, do THE không hài lòng về phương pháp xếp hạng thiếu ổn định và có thời gian gây nhiều tai tiếng của THE-QS.

Do đã từng là đối tác của QS trong một thời gian dài nên THE có những điểm tương đồng với QS về các tiêu chí xếp hạng. Tuy nhiên, vì cho rằng phương pháp của QS không đáng tin  cậy nên các phương pháp thực hiện xếp hạng của THE rất khác với QS.

Dưới đây là bảng so sánh tóm tắt các tiêu chí, chỉ báo và trọng số sử dụng trong hai bảng xếp hạng của QS World và THE [7].

Tiêu chí
(Criteria)

Chỉ báo (Indicators)

QS World

Chỉ báo (Indicators)

THE

Chất lượng nghiên cứu (Research quality)

Khảo sát ý kiến đồng nghiệp quốc tế (40%)

Trích dẫn bình quân trên giảng viên (20%)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TỔNG CỘNG: 60%

- Khảo sát ý kiến đồng nghiệp quốc tế (19.5%)

- Thu từ các đề tài nghiên cứu (5.25%)

- Tỷ số bài báo trên giảng viên (4.5%)

- Tỷ lệ thu từ khu vực công dành cho nghiên cứu trên tổng thu từ nghiên cứu (0.75%)

Tổng1: 30%

- Trích dẫn bình quân trên giảng viên 32.5%

- Tỷ lệ thu từ chuyển giao công nghiệp 2.5%

Tổng2: 35%

 

TỔNG CỘNG (1+2): 65%

Chất lượng giảng dạy (Teaching Quality)

Khảo sát ý kiến nhà tuyển dụng toàn cầu (10%)

Tỷ số giảng viên trên sinh viên (20%)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TỔNG CỘNG: 30%

- Khảo sát ý kiến đồng nghiệp quốc tế (15%)

- Tỷ số bằng tiến sĩ trên tổng giảng viên (6%)

- Tỷ số sinh viên tuyển mới trên giảng viên (4.5%)

- Bình quân thu nhập giảng viên (2.25%)

- Tỷ số bằng tiến sĩ trên bằng cử nhân được cấp  (2.25%)

 

TỔNG CỘNG: 30%

Mức độ quốc tế hóa

(Internationalisation)

- Tỷ lệ sinh viên quốc tế (5%)

- Tỷ lệ giảng viên quốc tế (5%)

 

TỔNG CỘNG: 10%

- Tỷ lệ giảng viên quốc tế (3%)

- Tỷ lệ sinh viên quốc tế (2%)

TỔNG CỘNG: 5%

Tổng                                                                                 100%                                       100%            

So sánh hai bảng xếp hạng của QS World và THE, ta thấy THE cố gắng giảm bớt tính chủ quan của việc lấy ý kiến khảo sát vốn có trọng số rất cao trong bảng xếp hạng QS bằng các chỉ báo định lượng khác khách quan hơn, và thiên về các chỉ báo về thành tích khoa học, theo cách làm của ARWU. Số lượng chỉ báo trong mỗi tiêu chí trong THE cũng nhiều hơn so với QS, không ngoài mục đích làm cho việc xếp hạng khách quan, có giá trị và công bằng hơn. Vì vậy, THE cũng có vẻ phù hợp hơn với các trường đại học thiên về nghiên cứu thuộc các nước phát triển, đặc biệt là khu vực nói tiếng Anh.

Hệ thống xếp hạng nào cho Việt Nam? 

Năm hệ thống xếp hạng đại học quốc tế phổ biến vừa được giới thiệu trong bài viết cho thấy tính hai mặt của việc xếp hạng quốc tế, đó là (1) không có hệ thống nào hoàn toàn phù hợp với tất cả mọi trường đại học vì chúng rất đa dạng về sứ mạng và điều kiện hoạt động; đó là lý do tại sao cần có nhiều bảng xếp hạng khác nhau; (2) dù có những khiếm khuyết và bất cập, các hệ thống xếp hạng vẫn ít nhiều có ích vì chúng cung cấp những thông tin khá hữu ích cho các bên có liên quan – người học và gia đình, nhà tuyển dụng, các nhà chính sách, và toàn xã hội.

Riêng đối với Việt Nam, sự quan tâm đến các bảng xếp hạng quốc tế là cần thiết để có thể xác định được vị trí của giáo dục đại học Việt Nam so với thế giới. Tuy nhiên, để sự so sánh này thực sự có ý nghĩa, chúng ta cần hiểu rõ về các tiêu chí và phương pháp xếp hạng của từng hệ thống. Sự hiểu biết này cho phép ta lựa chọn một bảng xếp hạng phù hợp để giúp ta biết vị trí của mình, đồng thời ta xác định được những đối tác quốc tế có điều kiện tương tự với Việt Nam nhưng có được vị trí tốt hơn để có thể học hỏi và cải thiện.

Trong thời điểm từ nay đến 2020, rõ ràng chúng ta chưa thể nhắm đến những vị trí trong top 200 thế giới khi đa số những điều kiện cần thiết để có thể tham gia xếp hạng chúng ta vẫn còn chưa có. Theo chúng tôi, bảng xếp hạng thực sự khả thi và hữu ích đối với Việt Nam là QS Asia, một bảng xếp hạng mà một số trường thuộc các nước Đông Nam Á có điều kiện tương tự như Việt Nam cũng đã chiếm được nhiều vị  trí trong khoảng top 500. Chúng ta cần học hỏi cách làm của những trường này và đầu tư vào việc cải thiện chính mình để cũng có thể lọt được vào danh sách top 500 đại học hàng đầu Châu Á.

Vì chỉ khi nào các trường của Việt Nam dành được những vị trí trong top 500 đại học hàng đầu Châu Á, thì mới có thể nghĩ đến việc tiếp tục tham gia những bảng xếp hạng khác có đòi hỏi khắt khe hơn.

 


Chia sẻ

THÔNG BÁO MỚI THÔNG BÁO MỚI